Nếu bạn nghĩ rằng cầu vồng chỉ có một dạng là hình vòng cung, parabol thì... hơi bị nhầm rùi đấy!
“Cầu vồng lửa” (tên khoa học là circumhorizontal arc – CHA) là những vầng hào quang hoặc một hiện tượng quang học gần giống với cầu vồng nằm ngang chân trời. Nó được tạo ra bởi sự khúc xạ ánh sáng qua những tinh thể băng của các đám mây ti dạng xoắn ở trên cao.
Hiện tượng này rất hiếm gặp. Nó chỉ xảy ra khi mặt trời ở rất cao, ít nhất là hơn 58° so với đường chân trời, và đương nhiên phải có sự hiện diện của các đám mây ti (*) . Do đó, “cầu vồng lửa” sẽ không thể xuất hiện tại các địa điểm như 55° bắc hoặc 55° nam, trừ khi thỉnh thoảng xuất hiện tại các vĩ độ cao hơn trên các đỉnh núi.
(*) Mây ti, ký hiệu khoa học Ci (từ tiếng La tinh Cirrus, nghĩa là tua cuốn) là một kiểu mây được đặc trưng bằng các dải mỏng, tương tự như nắm hay túm tóc, lông; thường được kèm theo là các búi hay chùm, nên trong một vài ngôn ngữ, như tiếng Anh, người ta thường gọi nó (không tiêu chuẩn) là 'mare's tail', nghĩa đen là "lông đuôi con ngựa cái" (theo wikipedia).
Để có thể nhìn thấy cầu vồng lửa rõ ràng nhất, mặt trời phải có độ cao trên 57.8° hoặc hơn thế và các đám mây phải nằm song song với đường chân trời, cùng một phía với mặt trời. Cầu vồng lửa sẽ đạt đến vẻ đẹp tuyệt vời nhất khi độ cao của mặt trời là 67.9°.
Hiện tượng kì vĩ và thú vị này rất ít khi xảy ra bởi vì tinh thể băng của các đám mây phải nằm ngang, thẳng hàng để có thể khúc xạ ánh sáng mặt trời. Cầu vồng lửa được hình thành khi các tia sáng chiếu vào các tinh thể băng 6 cạnh này, xuyên thẳng đứng qua mặt phía trên và đi ra ở mặt phía dưới. Độ dốc 90° sẽ tạo thành các sắc màu cầu vồng riêng rẽ và nếu các tinh thể băng xếp thành hàng hợp lý, các đám mây sẽ tỏa ra quang phổ có màu tựa như một đám lửa cầu vồng tuyệt đẹp.
Không biết phải hội tụ "thiên thời địa lợi nhân hòa" gì mới cho ra cầu vồng lửa, chỉ biết là ngắm ảnh nó thì đúng là kỳ diệu quá đi.